Từ lâu, vải thô đã gắn liền với cái mác già nua, chóng nhàu. Chỉ trong thời gian ngắn, chất vải này bỗng trở mình trở thành tâm điểm chú ý của mọi cô nàng từ mạnh mẽ tới bánh bèo. Điều gì khiến nó được ưa chuộng đến vậy?
Nguồn gốc vải thô
Vải thô là chất liệu sinh học có nguồn gốc từ tự nhiên. Vải thường được dệt từ các loại sợi như bông, gai. Chất liệu này được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới và có lịch sử phát triển lâu đời. Chúng thường gắn với trang phục phổ biến của giới thường dân xưa kia. Với đặc tính thoáng mát, hút ẩm tốt, vải chủ yếu được dùng để sản xuất trang phục vụ hè.
Đặc điểm vải thô
Ưu điểm
Hút ẩm tốt
Nhìn chung, các loại vải tự nhiên đều có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Ngược lại, các loại sợi nhân tạo như polyester, nylon hút ẩm kém hơn, đôi khi khiến người dùng cảm thấm nóng bức, bí bách ở nền nhiệt cao. Hơi ẩm và mùi cơ thể sau khi tiếp xúc với vải được thấm hút nhanh chóng rồi chuyển hóa ra môi trường bên ngoài. Độ dày vừa phải của vải cũng giúp tối ưu hóa đặc tính này.
Vì vậy, vải thô khá phổ biến trong trang phục hè. Vải không quá ôm, có độ mát dễ chịu mang lại cảm giác thoải mái cho người mặc.
Thoáng mát, mềm mại
Kết cấu đặc biệt gồm nhiều khoảng hở cho phép không khí được lưu thông dễ dàng trong tổng thế. Đặc tính tự nhiên của sợi thô được lưu giữ trọn vẹn mang lại cảm giác mềm mại, mát mẻ cho người sử dụng. Khi chà sát 2 mặt vải vào nhau, vải thô không tạo ra tiếng sột soạt. Khi sờ thử, bạn cũng không bị đau rát, khó chịu tại khu vực tiếp xúc.
Bắt màu tốt
Khả năng thấm hút vượt trội giúp các loại vải tự nhiên có khả năng bắt màu nhuộm cực tốt, độ chuẩn sắc cao. Chính điều này đã tạo ra sự đa dạng, phong phú cho các mẫu thời trang vải thô. Các nhà thiết kế có thể thỏa sức sáng tạo để tạo ra các loại trang phục từ đơn giản tới cầu kỳ, từ nhẹ nhàng tới cá tính. Không bị giới hạn độ tuổi như vải jean hay giới tính như vải voan, vải chiffon, vải thô phù hợp với tất cả đối tượng khách hàng, đa dạng về lứa tuổi.
Thân thiện với người dùng
Chất liệu sinh học tự nhiên luôn được các chuyên gia khuyên dùng bởi độ an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Ngay cả người có làn da nhạy cảm cũng có thể sử dụng chất liệu này mà không gặp phải tình trạng mẩn ngứa, viêm da, kích ứng. Quy trình sản xuất tiệt trùng đảm bảo độ lành tính cao, không chứa tạp chất, bảo vệ sức khỏe tuyệt đối cho người sử dụng. Đồng thời, vải thô có khả năng tự phân hủy, tỉ lệ tái chế cao.
Hạn chế
Dễ nhăn
Các loại vải sinh học thường khá dễ nhăn, khâu vệ sinh cần được tiến hành cẩn thận để giữ chất lượng tốt nhất cho sản phẩm. Tuy nhiên, độ bền của vải thô được đánh giá khá cao. Chúng dễ là phẳng hơn nhiều so với lụa tơ tằm hay gấm.
Khá cứng
Bề mặt vải thô tuy không nhám nhưng lại khá cứng, dày dặn hơn so với lụa, vải Tencel. Đặc điểm này đã hạn chế phần nào việc lựa chọn kiểu dáng của trang phục. Trước kia, chúng chỉ được ứng dụng trong các thiết kế cổ điển đơn giản. Hiện nay, vải thô đã được ứng dụng nhiều hơn trong các thiết kế khác, thu hút sự quan tâm của người trẻ và cả người lớn tuổi.
Phân loại vải thô
Trên thị trường, vải tự nhiên thường có giá thành khá cao do khâu sản xuất phức tạp, sản lượng hạn chế do phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Để đáp ứng được nhu cầu của mọi phân khúc, các nhà sản xuất thường pha thêm các sợi vải khác nhằm hạ giá thành cũng như tối ưu tính năng sản phẩm.
Vải thô mộc
Vải thô mộc là loại vải nguyên chất nhất của dòng chất liệu này. Chất liệu khá cứng nên ít, ít linh hoạt trong khâu tạo hình, thiết kế nên không được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thời trang. Vải chủ yếu dùng để cắt may vật dụng yêu cầu sự cứng cáp như túi xách, balo, ô dù, khung tranh, áo bọc nệm sofa,... Đôi khi, vải được sử dụng để may sơ mi tạo ra form dáng vừa vặn.
Vải thô lụa
Để làm mềm chất vải thô, người ta có thể pha thêm các loại sợi có độ mềm mại, mỏng nhẹ như lụa. Vì vậy, vải thô lụa được đánh giá cao về độ mềm mại so với nhiều loại vải thô khác. Chúng có độ thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt, khó nhăn và bền màu. Vải có thể chịu tác động lớn từ ngoại lực, khó rách dù bị vò nhiều lần. Bề mặt vải có độ sáng bóng nhất định kế thừa vải lụa. Sản phẩm từ vải lụa thô có vẻ đẹp thanh lịch, sang trọng nhưng vô cùng tinh tế, giản dị.
Vải thô cotton
Vải thô cotton là sự kết hợp giữa sợi vải thô và cotton. Chất vải mềm mịn, không xù lông, bai giãn. Đặc tính tự nhiên của hai loại vải này đều có khả năng thoáng khí, thấm hút mồ hôi tuyệt hảo, cực kỳ phù hợp cho trang phục mùa hè. Chúng được sử dụng rộng rãi trong áo sơ mi, đầm, chăn ga gối đệm,...
Vải thô đũi
Đây chính là loại vải đã làm mưa làm gió trong giới trẻ năm 2019. Vải có khả năng làm mát, hút ẩm tốt, dễ biến tấu với các loại chân váy, đầm suông, áo sơ mi,... Đặc biệt, chân váy midi được các cô nàng vô cùng ưa chuộng để mang lại cảm giác nữ tính, hoài cổ pha chút đài các tiểu thư.
Ngoài ra, vải thô còn bao gồm rất nhiều loại khác như vải thô hàn, vải thô mềm, vải thô hoa,...
Ứng dụng vải thô
Ứng dụng trong trang phục thường ngày
Trang phục sử dụng vải thô nhiều nhất là quần và áo sơ mi. Đôi khi, độ cứng của vải còn tạo được ôm dáng, sát với số đo hơn cotton. Các loại chân váy, váy liền thân vải thô tạo cảm giác mát mẻ, thoái mải cho người mặc. Hầu hết thiết kế vải đều đơn giản, không quá cầu kỳ, phức tạp mang lại vẻ đẹp thanh lịch, tao nhã cho người mặc.
Bên cạnh đó, vải thô được sử dụng rộng rãi trong nhiều trang phục khác như quần ngắn, quần dài, trang phục cho người cao tuổi, quần áo trẻ con,...
Ứng dụng trong phụ kiện
Do có độ cứng tương đối, tuổi thọ cao, vải thô còn được ứng dụng trong phụ kiện thời trang như mũ, balo, túi xách,... Vải cũng được sử dụng để làm từ túi đựng nho nhỏ như ví tiền, túi đựng điện thoại, hộp bút,...
Ứng dụng trong vật dụng nội thất
Ngoài lĩnh vực thời trang, vải thô còn được dùng để sản xuất rèm cửa, vỏ bọc đệm ghế, vỏ chăn, vỏ gối, đồ handmade,...
Phân biệt vải thô thật – giả
Để phân biệt hàng thật, nhái khi mua vải thô, bạn cần chú ý những điểm sau:
- Mỗi loại vải thô có một độ cứng khác nhau. Dùng tay vò nhẹ hoặc chà 2 mặt lại với nhau để kiểm tra độ cứng. Nếu vải thô quá cứng, các tiếng sột soạt sẽ phát ra. Nếu bạn đang chọn các dòng mềm như vải thô lụa, vải thô cotton, cần đặc biệt thận trọng điều này.
- Kiểm tra độ nhăn bằng cách vò nhẹ vải. Chất liệu tự nhiên thường rất dễ nhăn. Trường hợp mặt vải phẳng phiu, nó có thể đã được pha thêm polyester hoặc nylon.
- Để kiểm tra độ co giãn, bạn nên kéo vải theo 4 chiều khác nhau. Độ co giãn của vải thô khá kém. Bên cạnh đó, bước kiểm tra này cũng giúp bạn phát hiện ra những lỗi nhỏ trong khâu sản xuất.
- Vải thô chính gốc có khả năng làm mát tốt, không nhám rát. Nếu thấy vải mát tay, mịn mang thì đó là mảnh vải tốt.
Cách bảo quản vải thô
- Giũ sạch trang phục vải thô trước khi giặt để tránh chất bẩn bám chặt vào áo khi làm ướt.
- Sử dụng chất tẩy rửa, xà phòng trung tính, ít bọt để vệ sinh quần áo hoặc chăn ga gối.
- Chọn nơi thoáng mát, sạch sẽ, đủ gió để phơi khô vải thô đến khi khô hoàn toàn. Bạn có thể sử dụng thêm máy sấy ở chế độ mát, quạt điện hoặc điều hòa trong những ngày nồm ẩm. Tuyệt đối không dùng thiết bị tỏa nhiệt như lò sưởi, quạt sưởi để hơ vải.
- Không phơi trang phục vải thô dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Điều này có thể phá hỏng cấu trúc sợi, giảm tuổi thọ, làm vải nhanh bạc màu.
- Không đâm, chọc vật nhọn lên bề mặt vải.
- Không đặt thiết bị có nhiệt độ cao trên mặt vải thô.
- Đối với áo bọc sofa, bạn nên sử dụng máy hút bụi mini để vệ sinh tại chỗ. Hút sạch các chất bẩn, bụi bẩn vương vãi. Có thể dùng khăn ấm dải trên khu vực cần làm sạch rồi lấy gậy đập để chúng bám dính vào khăn.
- Cồn 90 độ là giải pháp tốt nhất để tẩy vết mực. Thấm cồn lên bề mặt vải rồi thấm bằng giấy sạch. Lặp lại động tác đến khi khô hoàn toàn.
Mời bạn tham khảo một số chất liệu vải khác:
Đánh giá Có 0 đánh giá về Vải thô là gì? Đặc điểm và cách bảo quản vải thô hiệu quả